Quang Dũng có lẽ là “chàng thơ” duy nhất của Trịnh Công Sơn, người được đích thân ông tìm tới, chọn mặt gửi vàng và dìu dắt, nâng đỡ trên con đường âm nhạc.
Định mệnh trở thành “chàng thơ”
Giống như bao nghệ sĩ khác, Quang Dũng sớm được nghe và mê nhạc Trịnh từ nhỏ. Anh tự nhận mình là người quá yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn, từ bé đã thuộc 500 bài hát của ông. Anh nói: “Nhắc đến bài nào tôi cũng đều có thể hát được bài đó, dù có thể tôi không thuộc hoàn toàn”.
Trước khi gặp Trịnh Công Sơn, Quang Dũng khá lận đận trong sự nghiệp và loay hoay tìm hướng đi cho mình. Tới năm 1999, Quang Dũng may mắn được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi mới 21 tuổi. Thời điểm đó, em gái Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh có mở một phòng trà trên đường Hai Bà Trưng (TP.HCM). Quang Dũng hát ở đó suốt mấy tuần, đến một hôm, vừa hát xong thì thấy nhạc sĩ ngồi dưới
Trịnh Công Sơn khi ấy đã bước vào những ngày cuối đời (chỉ 2 năm sau ông lìa xa cõi tạm), với trái tim đầy khắc khoải, ưu tư của người đàn ông từng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Trong khi đó, Quang Dũng lại quá trẻ trung khi mới bước vào đời. Có lẽ, chính sự non tơ, thuần khiết ấy của Quang Dũng cùng giọng hát trầm ấm đã khiến Trịnh Công Sơn cảm mến. Có lẽ, nhạc sĩ đã thấy được ở người ca sĩ trẻ hình bóng của chính mình trong quá khứ.
Bởi vậy, Trịnh Công Sơn đã chủ động tìm Quang Dũng và dạy hát tại nhà trong suốt 2 năm trời, tới ngày ông mất. Kể từ đó, Quang Dũng hát nhạc Trịnh với phong thái già dặn, dù còn rất trẻ, khiến ai cũng ngạc nhiên. Các nhạc sĩ ngày đó hay tới nhà Trịnh Công Sơn uống rượu, trò chuyện. Quang Dũng cứ ngồi đó hát từ 12 giờ trưa tới tận 3 giờ chiều.
Trong chương trình Vang bóng một thời, Quang Dũng tâm sự: “Tôi cứ thế hát thôi. Anh Trịnh Công Sơn không bao giờ ý kiến, phê bình về kỹ thuật thanh nhạc hay lấy hơi. Sau 3 giờ, khi mọi người về hết thì anh mới nhắc cho tôi cách hát, chỉ tôi chỗ nào cần hát lớn, hát nhỏ, chuyển giọng”.
Quang Dũng là người miền Trung nên âm sắc giọng nói thời kỳ đầu còn đậm chất vùng miền. Trịnh Công Sơn có một cách dạy hát rất độc đáo là bắt nam ca sĩ phải cầm tờ báo lên đọc sao cho ra được giọng Bắc để khẩu hình trở nên mềm mại, âm sắc phát âm rõ ràng.
Nhờ sự chỉ dạy của Trịnh Công Sơn, Quang Dũng đã có sự tiến bộ vượt bậc trong giọng hát lẫn cách thể hiện ca khúc, đặc biệt là nhạc Trịnh. Nhờ đó, anh nhanh chóng tiến vào sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Năm 2001, Quang Dũng chọn một bài được đích thân nhạc sĩ ký tặng là Biển nghìn thu ở lại làm single cho album đầu tay. Kể từ đó, anh gắn bó cuộc đời âm nhạc của mình với nhạc Trịnh.
Trịnh Công Sơn dường như rất tâm huyết với Quang Dũng. Cùng thời điểm đó, nhiều ca sĩ cũng thường đến nhà ông như Hồng Ngọc, Hà Trần, Mỹ Lệ… nhưng nhạc sĩ chỉ nhận “chàng thơ” Quang Dũng là học trò để dạy bảo.
Tiếng hát nam tính, sang trọng nhưng vẫn gần gũi, chân thành
Trái với ngoại hình thư sinh, Quang Dũng lại sở hữu một giọng hát cực kỳ nam tính, có thể nói là nam tính nhất trong những giọng nam từng thể hiện nhạc Trịnh.
Quang Dũng bẩm sinh sở hữu giọng nam trung thuần (baritone). Loại giọng này hiếm hơn nam cao ở VN. Nhờ đó, Quang Dũng dễ dàng gây ấn tượng với người nghe nhờ giọng hát rất dày và trầm ấm của mình. Thậm chí, giọng hát của Quang Dũng còn tối, trầm hơn cả Tuấn Ngọc (giọng nam trung có pha nam cao).
Nhận biết thế mạnh vốn có, Quang Dũng luôn hát nhạc Trịnh ở những quãng thấp (dưới quãng 4). Anh chủ yếu nhả chữ và giữ ngân rung trên quãng 3 và xuống tận quãng 2 (rất thấp). Đôi khi, anh nhấn cả vocal fry vào một số chữ để tạo sự nức nở nhưng vẫn giữ được độ nam tính.
Đồng thời, Quang Dũng chọn cho mình lối hát chậm rãi, từ tốn, chỉn chu trong từng câu chữ và nâng niu, phát âm rõ ràng, tách bạch, đúng như Trịnh Công Sơn đã dạy. Lối hát của Quang Dũng được đánh giá là “sạch”, trơn tru và bình thản, có độ sâu, thể hiện được sự khắc khoải, suy tư và những nỗi lòng người đàn ông mang nặng trong nhạc Trịnh.
Nhờ đó, Quang Dũng xây dựng được hình ảnh người đàn ông trưởng thành, đĩnh đạc, chỉnh tề bước vào nhạc Trịnh. Anh đưa khán giả vào không gian âm nhạc sang trọng, ấm áp của khán phòng, như đang thưởng thức những bản thính phòng sâu lắng. Có thể nói, tiếng hát Quang Dũng đã góp phần đưa nhạc Trịnh trở nên “sang” hơn mà không mất sự bình dị, gần gũi vốn có, khi thể hiện khá kỹ thuật nhưng vẫn chân thành, đúng như Hồng Nhung nói: “May quá, nó là con trai nên tôi mới có cửa để nổi, nó là con gái thì không có Hồng Nhung vì Quang Dũng hát nhạc của anh Sơn rất hay. Chính bởi sự chân tình, không có cái gì là màu mè cả, Dũng rất là chân thật, đặc biệt là rất đẹp trai”.
Trải qua hơn 20 năm gắn bó với nhạc Trịnh, tiếng hát Quang Dũng ngày càng chín chắn và sâu sắc hơn. (còn tiếp)